Một ngày tháng 9/2009, Ginger được dịp cùng ông anh họ vào nhà xác Viện Giải Phẫu – ĐH Y Hà Nội (48 Tăng Bạt Hổ). Anh tôi mổ xác, còn tôi thì chụp hình để làm tài liệu cho sinh viên Đại học Y.
Viện Giải Phẫu ngoài khu giảng đường, khu chứa nội tạng bằng nhựa, thạch cao ra còn có khu thí nghiệm và nhà xác. Nhà xác rộng mênh mông, bên trong là mấy chục chiếc thùng inox đựng xác ngâm trong dung dịch phóc môn, mùi cực kỳ khó chịu, trong này không khí âm u lạnh lẽo đến rợn người.
Đầu tiên, anh tôi mở 1 thùng ra, một cái xác khá mới của một người đàn ông trung niên đang được ngâm trong dung dịch. Người này đã bị mổ phanh hết lớp da ngoài để lộ phần biểu bì mỡ trắng phau.
Nhưng hôm nay không mổ xác này. Khi mổ xác phải vớt lên một thời gian để cho “ráo nước” rồi mới tiến hành được. Mở tiếp một thùng khác ra, xác một người đàn ông đã bị cắt rời các bộ phận và xếp lên bàn, anh này không được hồng hào như anh ở trên vì đã ngâm lâu rồi.
Lại thêm một cái xác khác, cái này đã bị cắt đầu và bỏ nội tạng ra ngoài đem ngâm riêng, chắc là còn lại phần cơ để nghiên cứu hệ vận động và hệ tuần hoàn.
Công việc hôm nay là mổ tách ra phần mạch máu, đánh dấu tĩnh mạch, động mạch bằng sơn xanh, sơn đỏ. Tĩnh mạch và động mạch chạy từ tim đi vào và đi ra từ các khối cơ, khá to và gân guốc.
Đo chiều dài mạch máu của một xác phụ nữ…
Viện Giải Phẫu mới tiếp nhận xác của một thanh niên trên 20 tuổi người Nam Định, mắc phải bệnh hiểm nghèo là căn bệnh ung thư, y học hiện đại vẫn phải bó tay. Người này viết thư để lại tình nguyện hiến xác cho y học, để có thể nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh này, để không ai phải đau đớn vì nó như mình đã phải chịu đựng trong nhiều năm. Sau khi từ bệnh viện trở về quê hương và qua đời, gia đình làm xong các thủ tục sau đó xác được chuyển lên xe trở về Viện Giải Phẫu, toàn bộ người thân không một ai đi theo xe mà chỉ ngậm ngùi tiếc thương đau xót, từ giờ phút đó họ không còn được gặp người con mình thêm một lần nào nữa.
No comments:
Post a Comment